Tiếp nối series câu chuyện thiết kế 4 năm đại học như thế nào cho hiệu quả, bài chia sẻ của Huy Hiền sẽ là một nguồn tư liệu quý báu cho rất nhiều các em học sinh sinh viên đang ngấp nghé uớc mơ du học cao học. Hiền – cũng như nhiều sinh viên khác tại VNUK, như cách thầy Anthony có nhận định “chất lượng sinh viên VNUK khá cao bởi vì các bạn biết tại sao các bạn ở đây, các bạn nhìn thấy được mình sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp.” Với Hiền, điều này còn rõ ràng hơn nữa khi bạn ngay khi buớc chân vào VNUK đã ẵm trọn gói học bổng 4 năm Tate&Lyte để học tại truờng. Và bạn tiếp tục câu chuyện học thuật của mình với 3 học bổng trọn gói của Eramus Mundus. Bravo Hiền và cùng dõi theo cách bạn lên chiến lược như thế nào nhé.
——-
? KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT MÁY TÍNH
⚜️Mã trường: DDV
⚜️Mã ngành: 7480204
⚜️Chỉ tiêu tuyển sinh: 35
⚜️Tổ hợp xét tuyển: A00, A01, D01, D90
——-
Anh có thể giới thiệu đôi chút về bản thân, và vừa qua anh đã đậu những học bổng nào của Erasmus Mundus được không ạ?
Mình tên là Ngô Lê Huy Hiền, hiện tại mình đang là sinh viên năm cuối chuẩn bị tốt nghiệp, ngành Khoa học và Kỹ thuật Máy tính tại Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (VNUK), Đại học Đà Nẵng. Vừa rồi, mình đỗ vào danh sách chính (main list) để nhận học bổng toàn phần của cả 3 chương trình học Thạc sĩ Erasmus Mundus Joint Master Degree (EMJMD). Theo quy định, Erasmus Mudus (EM) chỉ cho phép 1 ứng viên nộp tối đa 3 học bổng, và mình rất vinh dự và may mắn khi được đậu cả 3/3 chương trình năm nay, gồm:
- GENIAL – GrEen Networking And cloud computing: học tại Anh, Pháp, Thụy Điển và 3 nước khác mình tự chọn, tổng giá trị học bổng là 1,3 tỉ đồng;
- IMLEX – Imaging and Light in Extended Reality: học tại Phần Lan, Pháp, Nhật và 1 nước mình tự chọn, tổng giá trị học bổng là 1,2 tỉ đồng;
- JEMARO – Advanced Robotics: học tại Pháp, Ý, Ba Lan, Nhật, tổng giá trị học bổng là 1,25 tỉ đồng;
Sau khi xem xét kỹ lưỡng các chương trình học, mình đã quyết định dành 2 năm học Thạc sĩ tại châu Âu theo chương trình GENIAL, sẽ dự kiến nhập học vào ngày 01/09/2020 sắp tới.
Làm cách nào anh thuyết phục được hội đồng tuyển sinh để xuất sắc dành được 3/3 học bổng Erasmus Mundus cho 2 năm học thạc sĩ ở nhiều nước ngay lần đầu nộp đơn, khi còn là sinh viên năm cuối?
Mình nghĩ rằng việc mình viết bộ hồ sơ có chiến lược, việc mình trau chuốt trong bài luận, những cố gắng mình đã trải qua để có được những thành tích hiện nay, sự hỗ trợ của 1 mentor của mình, sự chân thành và đam mê của mình, và cộng vào đó chút may mắn là những yếu tố giúp mình đã đỗ 3/3 học bổng toàn phần của chương trình ngay từ lần nộp hồ sơ đầu tiên.
Học ở VNUK đã tạo cho anh cơ hội nào để phát triển bản thân của mình?
Đầu tiên, mình cảm thấy chương trình học của VNUK đã giúp mình phát triển bản thân từng bước, từng bước một. Từ năm đầu, mình được học và cải thiện rất nhiều về các kỹ năng mềm. Sau đó, mình được bổ sung kiến thức chuyên ngành vào năm 2 và được tạo cơ hội để áp dụng những kiến thức đó vào thực tiễn trong kì thực tập ở năm 3. Đến năm 4, mình được trau dồi những học phần chuyên ngành nâng cao, cùng với đó là kì thực hiện đồ án, đã giúp mình tự tin khi bước vào thị trường lao động thực tế.
Thứ hai, VNUK đã cho mình một môi trường tốt để học tập, kết nối với thầy cô giáo giỏi đầu ngành, giúp mình dễ dàng được hỗ trợ về chuyên môn khi gặp những khó khăn.
Và cuối cùng, là một sinh viên nhận học bổng toàn phần của VNUK trong suốt 4 năm học, việc mình được miễn học phí và nhận phụ cấp hằng năm đã là một hậu phương về tài chính vững chắc để mình có thể tự tin phát triển và làm những điều mình muốn. Mình luôn rất biết ơn học bổng Tate & Lyle đã hỗ trợ và giúp đỡ mình trong suốt quãng đường học tại VNUK, vì đối với mình, học bổng này là một trong những viên gạch đầu tiên để xây dựng cho sự trưởng thành của mình.
Trong chặng đường 4 năm ở VNUK, anh đã làm cách nào để cải thiện bản thân của mình? Anh có thể chia sẻ lại lộ trình 4 năm của anh được không?
Mình là một người luôn tạo ra những chiến lược của riêng mình khi thực hiện một mục tiêu nào đó. Và mình luôn xây dựng những cột mốc để từng bước thực hiện, sao cho không quá nhanh cũng không quá chậm với khả năng của bản thân. Là một sinh viên đã học xong 4 năm ở VNUK, mình xin chia sẻ lại những mục tiêu trong từng năm của mình.
Vào năm 1, chương trình học tại VNUK giúp mình có nhiều thời gian rảnh hơn những năm còn lại. Mình tận dụng những thời gian đó để trau dồi thêm tiếng Anh và các ngoại ngữ khác. Mình đã tự học thêm những gì mình còn thiếu sót để chuẩn bị cho việc học chuyên ngành, như tự học Toán cao cấp, học những nguyên tắc lập trình cơ bản,… Mình cũng đã dành rất nhiều thời gian tham dự các hoạt động xã hội trong nước, từ chức vụ tình nguyện viên đến ban tổ chức, nhà sáng lập,… Mình cũng có tham dự một số chương trình khởi nghiệp và đạt một số kết quả tốt đẹp, vì khởi nghiệp là một trong những mục tiêu dài hạn của mình. Như vậy sau năm 1, mình đã tạo xong một nền móng vững chắc hơn để sẵn sàng đi tiếp những năm tiếp theo.
Vào năm 2, mình bắt đầu chuyên tâm hơn vào việc học, vì năm này mình sẽ học những kiến thức nền trong chuyên ngành nên mình rất tập trung cao độ trong việc học hơn những mảng khác. Mình đã bắt đầu ít tham dự các hoạt động xã hội trong nước hơn, và bắt đầu tham gia một số chương trình ngắn hạn được tài trợ toàn phần tại nước ngoài. Trong năm này, mình có được đăng 1 bài báo nghiên cứu khoa học quốc tế đầu tiên, như là cột mốc trong quá trình phát triển kiến thức của mình. Vài dự án khởi nghiệp hồi năm 1 được tiếp tục một thời gian, sau đó được dừng lại.
Vào năm 3, kì 1 mình được học thêm về chuyên ngành và có một kì thực tập vào kì 2. Nhưng không đợi đến kì 2, ngay từ mùa hè học xong năm 2, mình đã tự xin cho mình vào thực tập tại một công ty lớn tại Việt Nam và mình đã vào thành phố Hồ Chí Minh làm việc trong 3 tháng. Mình đã hoàn thành tốt kì thực tập, và đã sáng lập nên 1 sự án khởi nghiệp mới sau đó. Sau khi sang kì 1 năm 3, mình vừa học vừa phát triển dự án khởi nghiệp. Ở kì 2 của năm 3, mình phải vừa học trên trường, vừa thực hiện kì thực tập bắt buộc 6 tháng, nên mình đã chọn một công ty quy mô vừa tại Đà Nẵng để tiện cho việc học tập. Kì thực tập của mình cũng rất đáng nhớ, khi mình phải làm một chức vụ khá quan trọng là Product Owner cho 3 dự án khác nhau của công ty và mình cũng rất tự hào khi được trường đánh giá 10.0/10.0 cho kì thực tập này. Và cũng đáng nói, năm này chính là năm mình đã đi ngắn hạn tại nước ngoài nhiều nhất, lên đến 11 nước, và là một năm cật lực nhất trong quãng đường Đại học của mình.
Vào năm 4 – cũng là năm cuối, những học phần chuyên ngành nâng cao trong kì 1 đã đủ khó nhằn và khá kín lịch của mình, nên mình cũng tập trung vào học tập hơn. Ở kì này, mình cũng có tham dự một số chương trình nước ngoài, và dự án của mình bắt đầu mang lại lợi nhuận. Tuy nhiên, vì cũng là một trong những chiến lược phát triển lâu dài riêng của mình, mình đã chuyển lại dự án cho đồng sáng lập của mình. Sang kì 2, cũng là kì làm đồ án tốt nghiệp, và cũng là giai đoạn đại dịch khó khăn vừa qua. Mình đã nộp hồ sơ cho một số chương trình cao học khác nhau, trong đó có chương trình Thạc sĩ Erasmus Mundus, và mình đã đỗ hết các chương trình mà mình nộp. Và kì đồ án tốt nghiệp vừa rồi, mình cũng đã đăng thêm 2 bài báo nghiên cứu quốc tế nữa, và đợt bảo vệ tốt nghiệp vừa qua cũng khá tốt đẹp với mình.
Cảm ơn anh đã chia sẻ chiến lược 4 năm học tại VNUK của anh. Vậy anh có lời khuyên nào cho “hậu bối” của VNUK không ạ?
Câu hỏi vừa rồi thì mình cũng đã chia sẻ hành trình 4 học tại VNUK của mình. Đấy là những cột mốc mình đã hoạch ra sẵn từ những bước chân tập tành vào Đại học. Mình chỉ chia sẻ lại theo những trải nghiệm và khả năng riêng của bản thân. Nhưng mình cũng khuyến khích các bạn khóa sau cũng nên có một chiến lược sẵn cho mình như vậy, để 4 năm là những nấc phát triển để chúng ta có thể tự tin bước vào cuộc sống. Các bạn có thể tham khảo và tự tạo ra những hoạch định cho riêng mình, để thời gian 4 năm Đại học là một khoảng thời gian đẹp đẽ nhất. Mình tin rằng, chúng ta ai cũng có những điểm mạnh và điểm yếu riêng. Điều quan trọng là cách chúng ta tận dụng hết thế mạnh của mình thế nào, và cách chúng ta nhìn nhận những khuyết điểm của bản thân để cố gắng cải thiện. Mình xin chúc các bạn khóa sau của VNUK sẽ có những kỷ niệm đáng nhớ và thật nhiều thành công tại VNUK.
Một lần nữa, em xin cảm ơn VN-UK đã hỗ trợ em rất nhiều, về vật chất, tinh thần, kiến thức, và kỹ năng trong suốt 4 năm học vừa qua. Em cũng muốn gửi những lời biết ơn sâu sắc nhất đến Viện, và sau này em sẽ cố gắng nhiều hơn nữa trong các chặng đường tiếp theo của mình. Anh cảm ơn em Nhàn đã thực hiện buổi phỏng vấn này nhé!
Rất cảm ơn chia sẻ hữu ích và truyền cảm hứng của anh. VNUK và em xin chúc anh nhiệt huyết, may mắn và có ngày càng nhiều thành công trên chặng hành trình tiếp theo.
—
Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, Đại học Đà Nẵng (VNUK)
Là một trong những thành viên của Đại học Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh được xây dựng dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa hai chính phủ Việt Nam và Anh quốc nhằm quốc tế hóa đại học công lập Việt Nam theo chủ trương của Chính phủ. VNUK tự hào là trường ĐẠI HỌC CÔNG LẬP QUỐC TẾ đầu tiên và duy nhất tại Miền Trung. Chúng tôi cam kết đem lại cho sinh viên môi trường học tập tốt nhất, cung cấp nền tảng kiến thức vững chắc và giúp các em sẵn sàng cho thị trường lao động trong nước cũng như nước ngoài. Các chương trình đào tạo đều được xây dựng theo tư vấn của Đại học Aston, đối tác chiến lược của VNUK tại Anh quốc, được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh với 30% thời lượng được giảng dạy bởi giảng viên người nước ngoài. Sinh viên học tập tại VNUK được tập trung phát triển tư duy toàn cầu, thái độ chuyên nghiệp và có nhiều cơ hội thực tập tại các doanh nghiệp lớn nên nhờ đó có thể sẵn sàng cho thị trường lao động trong nước và quốc tế.
Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (mã trường: DDV) đang xét tuyển các ngành đào tạo như sau:
- Quản trị và Kinh doanh quốc tế (mã ngành: 7340124)
- Quản trị Du lịch và Khách sạn quốc tế (mã ngành: 7340124)
- Khoa học và Kỹ thuật máy tính (mã ngành: 7480204)
- Khoa học Y sinh (mã ngành: 7420204)
- Khoa học dữ liệu theo cơ chế đặc thù (mã ngành: 7480205DT)
Năm 2020, trường tuyển sinh theo 4 phương thức sau:
– Phương thức 1: Xét tuyển kết quả từ kỳ thi THPT quốc gia năm 2020
– Phương thức 2: Xét tuyển bằng học bạ THPT (kèm bài luận cá nhân và phỏng vấn)
– Phương thức 3: Xét tuyển thẳng
– Phương thức 4: Xét tuyển theo kết quả kì thi đánh giá năng lực
Xem thêm hướng dẫn đăng ký xét tuyển tại đây
Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ theo địa chỉ:
Viện Nghiên Cứu và Đào Tạo Việt – Anh
158A Lê Lợi, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Tư vấn tuyển sinh: tuyensinhvnuk.edu.vn
Website: vnuk.udn.vn
Email: contact@vnuk.edu.vn
Hotline: 0905 55 66 54
Số điện thoại: 0236 37 38 399